Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về an toàn và sức khỏe lao động, ISO 45001 đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Để triển khai thành công ISO 45001 đòi hỏi doanh nghiệp phải ứng phó kịp thời với các rủi ro và tận dụng tốt những cơ hội tiềm ẩn. Hãy cùng Intercert Việt Nam tìm hiểu chi tiết về rủi ro và cơ hội theo ISO 45001 qua bài viết dưới đây.
Rủi ro và cơ hội theo ISO 45001 là gì?
Rủi ro theo ISO 45001 là “sự kết hợp giữa khả năng xảy ra một sự kiện hoặc tiếp xúc với mối nguy liên quan đến công việc và mức độ nghiêm trọng của chấn thương hoặc bệnh tật có thể xảy ra do sự kiện hoặc tiếp xúc đó gây ra.”
Cơ hội theo ISO 45001 là “một hoàn cảnh hoặc tập hợp các hoàn cảnh có thể dẫn đến việc cải tiến kết quả thực hiện ATVSLĐ.”
Tầm quan trọng của việc xác định rủi ro và cơ hội theo ISO 45001
Đánh giá rủi ro là một trong những hoạt động cốt lõi của hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OHSMS) theo tiêu chuẩn ISO 45001. Quá trình này giúp doanh nghiệp xác định, đánh giá và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tiềm ẩn tại nơi làm việc, từ đó ngăn ngừa tai nạn, bệnh nghề nghiệp và bảo vệ sức khỏe của người lao động.
Mặt khác, bằng cách xác định các cơ hội cải thiện thông qua quá trình đánh giá rủi ro, tổ chức không chỉ nâng cao hiệu suất và giảm chi phí mà còn đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật. Điều này giúp xây dựng hình ảnh tích cực cho doanh nghiệp, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh.
Rủi ro và cơ hội được đề cập ở điều khoản nào trong ISO 45001?
Rủi ro và cơ hội được đề cập tại điều khoản 6.1.1 ISO 45001:
“6.1.1 Khái quát
Khi hoạch định hệ thống quản lý ATVSLĐ, tổ chức phải xem xét các vấn đề được đề cập tại 4.1 (bối cảnh), các yêu cầu được đề cập tại 4.2 (bên quan tâm), và 4.3 (phạm vi của hệ thống quản lý ATVSLĐ) và xác định các rủi ro và cơ hội cần được giải quyết để:
- đảm bảo hệ thống quản lý ATVSLĐ có thể đạt được các kết quả dự kiến;
- ngăn ngừa hoặc giảm các tác động không mong muốn;
- đạt được cải tiến liên tục.
Khi xác định các rủi ro và cơ hội đối với hệ thống quản lý ATVSLĐ và các kết quả dự kiến cần được giải quyết, tổ chức phải tính đến:
- các mối nguy (xem 6.1.2.1);
- rủi ro ATVSLĐ và rủi ro khác (xem 6.1.2.2)
- cơ hội ATVSLĐ và cơ hội khác (xem 6.1.2.3);
- yêu cầu pháp luật và yêu cầu khác (xem 6.1.3);
Trong quá trình hoạch định, tổ chức phải xác định và đánh giá rủi ro và cơ hội liên quan tới các kết quả dự kiến của hệ thống quản lý ATVSLĐ, liên quan tới các thay đổi trong tổ chức, các quá trình của tổ chức, hoặc hệ thống quản lý ATVSLĐ. Trong trường hợp có các thay đổi đã được hoạch định, lâu dài hoặc tạm thời, việc đánh giá này phải được thực hiện trước khi thực hiện việc thay đổi (xem 8.1.3).
Tổ chức phải duy trì thông tin dạng văn bản về:
- rủi ro và cơ hội;
- (các) quá trình và hành động cần thiết để xác định và giải quyết các rủi ro và cơ hội (xem từ 6.1.2 đến 6.1.4) ở mức độ cần thiết để có sự tin cậy rằng các quá trình đã được thực hiện như đã hoạch định.”
Các yêu cầu khi xác định rủi ro và cơ hội theo ISO 45001
- Điều khoản 6.1.2.1 Nhận diện mối nguy
Điều khoản 6.1.2.1 của chứng nhận ISO 45001:2018 yêu cầu tổ chức phải thiết lập, triển khai và duy trì một hoặc nhiều quy trình để xác định mối nguy hiểm đang diễn ra. Quá trình xác định mối nguy hiểm giúp tổ chức nắm bắt các yếu tố có thể gây hại cho người lao động trong quá trình làm việc. Để xây dựng một kế hoạch quản lý rủi ro hiệu quả, tổ chức cần xác định cụ thể các mối nguy tiềm ẩn trong mọi hoạt động, từ đó đánh giá mức độ rủi ro và đưa ra các biện pháp kiểm soát phù hợp.
Ví dụ về mối nguy trong OH&S:
- Nguy cơ vật lý: sàn trơn trượt, tiếng ồn,…
- Nguy cơ hóa học: hóa chất nguy hiểm, tiếp xúc với các chất độc hại,…
- Nguy cơ tâm lý xã hội: căng thẳng tại nơi làm việc, bạo lực,…
Ngoài ra, để đảm bảo quy trình được thực hiện một cách nhất quán, tổ chức cần xây dựng một hệ thống hồ sơ đầy đủ. Hồ sơ phải bao gồm thông tin về các hoạt động thường xuyên, không thường xuyên, các tình huống khẩn cấp và những thay đổi đã lên kế hoạch.
- Điều khoản 6.1.2.2 Đánh giá rủi ro ATVSLĐ và rủi ro khác đối với hệ thống quản lý ATVSLĐ
Theo yêu cầu của điều khoản 6.1.2.2 trong ISO 45001, tổ chức phải thực hiện việc đánh giá rủi ro để xác định và áp dụng các biện pháp kiểm soát nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Qua đó, tổ chức có thể chủ động phát hiện và xử lý các yếu tố nguy hiểm tiềm ẩn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các rủi ro đối với hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp bao gồm:
- Không hiểu được bối cảnh của tổ chức
- Không giải quyết được nhu cầu và mong đợi của các bên liên quan
- Sự tham gia không đầy đủ của nhân viên
- Lập kế hoạch hoặc phân bổ nguồn lực chưa hợp lý
- …
Có rất nhiều phương pháp để xác định mối nguy và đánh giá rủi ro, từ những cách thức đơn giản đến những phương pháp phức tạp đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn. Việc lựa chọn phương pháp phù hợp phụ thuộc vào đặc thù và quy mô của từng tổ chức.
Các quy trình đánh giá rủi ro trong hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp (OHSMS) phải được ghi nhận đầy đủ và thường xuyên cập nhật. Chúng cần bao quát mọi khía cạnh của hoạt động sản xuất kinh doanh, từ những công việc hàng ngày cho đến những yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến an toàn lao động.
Ngoài ra, quy trình đánh giá rủi ro cần có sự tham gia tích cực của người lao động để đảm bảo tính khách quan và toàn diện. Những người thực hiện đánh giá phải có đủ kiến thức chuyên môn và hiểu rõ về các hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức. Bên cạnh đó, việc đánh giá rủi ro cũng cần tuân thủ đầy đủ các yêu cầu pháp luật và tiêu chuẩn liên quan.
- Điều khoản 6.1.2.3 Đánh giá cơ hội ATVSLĐ và cơ hội khác đối với hệ thống quản lý ATVSLĐ
Tổ chức phải thiết lập, triển khai và duy trì một quy trình để đánh giá:
- Các cơ hội an toàn và sức khỏe nghề nghiệp nhằm nâng cao hiệu suất hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, đồng thời xem xét những thay đổi đã được lên kế hoạch cho tổ chức, các chính sách, quy trình hoặc hoạt động của tổ chức;
- Các cơ hội khác để cải thiện hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
Các cơ hội để cải thiện hiệu suất an toàn và sức khỏe nghề nghiệp có thể bao gồm:
- Đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố nguy hiểm tiềm ẩn trong quá trình lập kế hoạch
- Cải tiến quy trình làm việc để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sức khỏe người lao động
- Ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động có nguy cơ cao.
Các cơ hội để cải thiện hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp bao gồm:
- Tăng cường sự cam kết của lãnh đạo
- Khuyến khích sự tham gia tích cực của người lao động
- Nâng cao hiệu quả của quá trình đánh giá rủi ro
- Tăng cường giao tiếp hai chiều để nâng cao nhận thức về OH&S
- Đẩy nhanh việc khắc phục các hạn chế
- Tích hợp mục tiêu OH&S vào hoạt động kinh doanh
- Liên tục rèn luyện năng lực cho người lao động trong việc nhận diện và xử lý các rủi ro
- Điều khoản 6.1.4 Hoạch định hành động
Tổ chức phải đảm bảo có kế hoạch cụ thể để:
- Xử lý các rủi ro và cơ hội đã được xác định
- Đáp ứng các yêu cầu pháp lý và các yêu cầu khác
- Chuẩn bị và ứng phó với các tình huống khẩn cấp
Điều khoản 6.1.4 của ISO 45001 yêu cầu tổ chức phải lập kế hoạch và thực hiện các hành động nhằm giảm thiểu rủi ro và cải thiện hiệu quả của hệ thống quản lý OH&S. Kế hoạch này cần được xây dựng dựa trên kết quả đánh giá rủi ro và phải được tích hợp vào các quy trình kinh doanh khác. Đồng thời, tổ chức cần đánh giá hiệu quả của các hành động đã thực hiện để kịp thời điều chỉnh và cải tiến. Việc đánh giá này cần xem xét các yếu tố như chi phí, lợi ích, khả năng thực hiện và tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Điều khoản 8.1.2 Loại bỏ mối nguy và giảm rủi ro ATVSLĐ
Điều khoản 8.1.2 của tiêu chuẩn ISO 45001 nhấn mạnh cam kết của tổ chức trong việc loại bỏ các mối nguy hiểm và giảm thiểu rủi ro OH&S thông qua phương pháp tiếp cận có hệ thống. Phương pháp tiếp cận này bao gồm việc ưu tiên các hành động kiểm soát theo trình tự.
Dưới đây là ví dụ về hệ thống phân cấp kiểm soát:
- Loại bỏ: Loại bỏ mối nguy hiểm về mặt vật lý, ngừng sử dụng chất nguy hiểm
- Thay thế: Thay thế chất nguy hiểm bằng chất ít nguy hiểm hơn hoặc không nguy hiểm.
- Kiểm soát kỹ thuật: Cách ly mọi người khỏi mối nguy hiểm, thực hiện các biện pháp bảo vệ tập thể, giảm tiếng ồn, tổ chức lại công việc để tránh làm việc một mình, giờ làm việc không lành mạnh, khối lượng công việc lớn,…
- Kiểm soát hành chính: Cung cấp hướng dẫn phù hợp cho công nhân (ví dụ quy trình kiểm soát lối vào, trường hợp khẩn cấp). Tiến hành kiểm tra thiết bị an toàn định kỳ, đào tạo để ngăn ngừa bắt nạt và quấy rối, cung cấp hướng dẫn về cách báo cáo sự cố và không tuân thủ, thay đổi mô hình làm việc của công nhân, biển báo an toàn.
- Thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE): Cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân đầy đủ và hướng dẫn sử dụng/bảo dưỡng PPE (giày an toàn, kính an toàn, găng tay chống hóa chất và chất lỏng, găng tay bảo vệ điện,…).
>>> Thực trạng áp dụng ISO 45001 tại Việt Nam – Intercert Việt Nam
Bài viết trên của Intercert Việt Nam đã cung cấp thông tin chi tiết về rủi ro và cơ hội theo ISO 45001. Hy vọng doanh nghiệp đã có thêm thông tin để xác định chính xác rủi ro và cơ hội theo ISO 45001. Liên hệ ngay với Intercert Việt Nam để được tư vấn.
Thông tin liên hệ Intercert Việt Nam:
- Địa chỉ: Tòa nhà Ladeco, 266 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.
- Điện thoại: 0969 555 610
- Email: sales@intercertvietnam.com