Quy trình ứng phó tình huống khẩn cấp là một phần không thể thiếu trong hệ thống quản lý môi trường ISO 14001. Quy trình này giúp đảm bảo rằng tổ chức có khả năng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc tình huống khẩn cấp. Vậy quy trình ứng phó tình huống khẩn cấp là gì và tại sao quy trình ứng phó tình huống khẩn cấp lại quan trọng. Hãy cùng Intercert Việt Nam tìm kiếm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Tình huống khẩn cấp là gì?
Tình huống khẩn cấp là những sự việc xảy ra bất ngờ, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản hoặc an toàn công cộng.
Dưới đây là một số ví dụ điển hình về tình huống khẩn cấp:
- Bão lũ: Nước ngập, sạt lở đất, gió lớn gây hư hại nhà cửa.
- Động đất: Sập nhà, nứt đường, sóng thần.
- Hỏa hoạn rừng: Khói bụi, cháy lan rộng, ảnh hưởng đến môi trường và cộng đồng.
- Núi lửa phun trào: Dung nham, tro bụi gây ô nhiễm không khí, phá hủy nhà cửa và đất đai.
- Tai nạn giao thông: Va chạm, tai nạn lao động, tai nạn tàu hỏa, máy bay.
- Cháy nổ: Hỏa hoạn tại nhà ở, nhà xưởng, công sở.
- Đuối nước: Tại sông, hồ, biển.
- Bệnh đột quỵ: Đau đầu dữ dội, tê liệt một bên mặt hoặc cơ thể.
- Bạo lực: Cướp giật, đánh nhau, xâm hại.
- Mất điện: Ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất.
- Rò rỉ khí gas: Nguy cơ cháy nổ.
Quy trình ứng phó tình huống khẩn cấp là gì?
Quy trình ứng phó tình huống khẩn cấp là một tập hợp các bước và hành động được thực hiện một cách có hệ thống và nhanh chóng khi xảy ra sự cố bất ngờ, đe dọa đến tính mạng, tài sản hoặc môi trường. Mục tiêu của quy trình này là giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ người và tài sản, đồng thời khôi phục tình hình để một tổ chức hoạt động trở lại bình thường.
Các bước trong quy trình ứng phó tình huống khẩn cấp
Bước 1: Nhận diện và đánh giá tình huống khẩn cấp
Doanh nghiệp cần tổ chức các khóa đào tạo thường xuyên để nhân viên nắm vững các kiến thức về phòng cháy chữa cháy, sơ cứu, xử lý các tình huống khẩn cấp khác nhau. Nhân viên có thể sử dụng các giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác để phát hiện các dấu hiệu bất thường như khói, lửa, tiếng nổ, mùi lạ, hình ảnh đáng ngờ,… Ngoài ra doanh nghiệp có thể lắp đặt hệ thống báo động: Các thiết bị báo cháy, báo trộm, camera giám sát…để dễ dàng nhận diện các tình huống khẩn cấp.
Các nhân viên sẽ phân tích và đánh giá mức độ nguy hiểm của các tình huống khẩn cấp như:
- Quy mô: Đánh giá phạm vi ảnh hưởng của sự cố (ví dụ: cháy nhỏ, cháy lớn, ảnh hưởng đến một phòng hay toàn bộ tòa nhà).
- Tốc độ lan rộng: Đánh giá tốc độ phát triển của sự cố (ví dụ: cháy lan nhanh, chậm, có xu hướng lan rộng hay không).
- Mức độ nguy hiểm: Đánh giá mức độ nguy hiểm của sự cố đối với con người, tài sản và môi trường.
- Các yếu tố liên quan: Xác định các yếu tố có thể làm tăng mức độ nguy hiểm của sự cố (ví dụ: chất dễ cháy, nguồn điện, cấu trúc tòa nhà).
Việc này giúp xác định tình huống nào cần được ưu tiên ứng phó trước và nắm bắt thông tin cần thiết để đưa ra quyết định tiếp theo.
Bước 2: Lập kế hoạch ứng phó với tình huống khẩn cấp
Tổ chức/doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch chi tiết ứng phó với tình huống khẩn cấp. Khi lập kế hoạch, doanh nghiệp phải nêu rõ các biện pháp cụ thể, trách nhiệm và nguồn lực cần thiết để ứng phó với các loại tình trạng khẩn cấp khác nhau.
Trong bản kế hoạch cần phân công rõ ràng trách nhiệm cho từng cá nhân, bộ phận trong doanh nghiệp để đảm bảo mọi người đều biết mình cần làm gì trong những tình huống khẩn cấp này. Đồng thời, doanh nghiệp phải thông báo cho toàn bộ nhân viên về tình hình khẩn cấp qua các kênh như loa thông báo, tin nhắn,..
Bước 3: Tổ chức diễn tập ứng phó tình huống khẩn cấp
Doanh nghiệp nên tổ chức các khóa đào tạo định kỳ để hướng dẫn nhân viên cách thực hiện quy trình ứng phó với từng loại tình huống khẩn cấp cụ thể và hướng dẫn sử dụng các thiết bị an toàn.
Sau mỗi khoá đào tạo, doanh thực hiện diễn tập nhằm kiểm tra xem nhân viên đã quen thuộc với các quy trình ứng phó khẩn cấp, thiết bị hoạt động hay chưa. để tổ chức có thể ứng phó kịp thời khi có nhiều tình trạng khẩn cấp khác nhau. Những hoạt động này cũng giúp nhân viên viên làm quen với các quy trình trong tình huống thực tế.
Bước 4: Triển khai kế hoạch ứng phó với tình huống khẩn cấp
Khi một tình huống khẩn cấp xảy ra, việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả kế hoạch đã được chuẩn bị từ trước là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp cần sử dụng các kênh thông tin đã định sẵn (còi báo động, loa, tin nhắn,…) để thông báo cho tất cả mọi người về tình huống khẩn cấp. Triệu tập đội ứng cứu khẩn cấp theo danh sách đã lập sẵn và phân công nhiệm vụ cụ thể dựa trên kế hoạch đã được phân công trước đó.
Sau đó, đội ngũ nhân viên sẽ triển khai các biện pháp ứng phó đã được nêu trong kế hoạch ứng phó tình huống khẩn cấp. Các biện pháp này có thể bao gồm cứu hỏa, sơ tán, hướng dẫn người dân, sơ cấp cứu, cung cấp cứu trợ, hoặc thực hiện các hành động khác nhằm giải quyết tình huống khẩn cấp.
Bước 5: Đánh giá và cải tiến quy trình ứng phó tình huống khẩn cấp
Sau khi tình huống khẩn cấp được xử lý, doanh nghiệp cần tiến hành đánh giá hiệu quả của kế hoạch ứng phó và các biện pháp đã thực hiện cũng như những thiệt hại trong tình huống khẩn cấp đó. Qua đó, xác định xem những điểm gì đã làm tốt và những điểm còn thiếu sót trong quy trình ứng phó để rút ra kinh nghiệm và cải thiện cho lần sau (nếu tình huống khẩn cấp lại xảy ra).
Dựa trên kết quả đánh giá và những kinh nghiệm rút ra trước đó, doanh nghiệp có thể cập nhập kế hoạch ứng phó, đầu tư trang thiết bị hiện đại hơn sao cho phù hợp với tình huống thực tế.
Tại sao quy trình ứng phó tình huống khẩn cấp lại quan trọng
- Giảm thiểu thiệt hại: Khi có quy trình ứng phó các tình huống khẩn cấp rõ ràng, mọi người sẽ biết cách sơ tán, cứu hộ, sơ cứu, giảm thiểu thương vong khi xảy ra sự cố bất ngờ. Các bước ứng phó kịp thời trong quy trình giúp hạn chế thiệt hại về vật chất, bảo vệ tài sản. Đồng thời, quy trình này cũng giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của sự cố đến môi trường xung quanh.
- Tăng cường khả năng ứng phó: Quy trình ứng phó tình trạng khẩn cấp giúp mọi người sẵn sàng đối mặt với các tình huống bất ngờ, giảm thiểu sự hoang mang. Mỗi người đều biết vai trò và trách nhiệm của mình trong khi gặp tình trạng khẩn cấp để ứng phó tình huống khẩn cấp hiệu quả hơn.
- Bảo đảm an toàn: Quy trình ứng phó các tình huống khẩn cấp giúp bảo vệ tính mạng và sức khỏe của tất cả mọi người, từ nhân viên đến khách hàng, người dân. Bên cạnh đó, quy trình này cũng giúp bảo vệ cộng đồng khỏi những tác động tiêu cực của sự cố bất ngờ.
- Tuân thủ pháp luật: Nhiều tổ chức, doanh nghiệp có nghĩa vụ xây dựng và thực hiện quy trình ứng phó tình huống khẩn cấp để tuân thủ các quy định của pháp luật.
- Cải thiện hình ảnh: Một tổ chức có quy trình ứng phó tình huống khẩn cấp tốt sẽ được đánh giá cao về sự chuyên nghiệp và trách nhiệm.
Ví dụ về quy trình ứng phó sự cố hóa chất
Bước 1: Đánh giá tình hình
- Đánh giá sơ bộ thiệt hại ban đầu về người, môi trường và tài sản
- Xác định loại hóa chất và khối lượng hóa chất tràn đổ
- Thông báo cho người phụ trách về tình hình sự cố và yêu cầu trợ giúp
- Cấp cứu người bị nạn (Nếu có) nhưng phải đảm bảo an toàn
Bước 2: Tra cứu Phiếu an toàn hóa chất
- Người phụ trách tra cứu Phiếu an toàn hóa chất về đặc tính nguy hại của hóa chất tràn đổ và trang bị bảo hộ phù hợp.
- Người phụ trách đưa ra yêu cầu về trang bị bảo hộ chống hóa chất chuyên dụng (quần áo, găng tay, ủng, mặt nạ, kính mắt,..) cho đội ứng phó.
Bước 3: Cô lập nguồn tràn đổ
- Quây chặn, hạn chế phạm vi ảnh hưởng của sự cố, giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh.
- Sử dụng các vật tư phù hợp với các loại hóa chất tràn đổ để cô lập.
Bước 4: Chấm dứt nguồn tràn đổ
- Ngăn chặn nguồn tràn đổ bằng cách: ngắt bơm, khóa van, bịt lỗ thủng, hướng vết thủng hướng lên phía trên,..
- Nếu có thể, tiến hành bơm hút, sang chiết hóa chất còn sót lại vào dụng cụ, thiết bị chứa thứ cấp.
- Không bước vào hiện trường sự cố nếu không có trang bị đồ bảo hộ phù hợp.
Bước 5: Đánh giá lại tình hình
- Người phụ trách tiến hành đánh giá lại tình hình hiện trường sự cố, đảm bảo mọi thứ trong phạm vi kiểm soát trước khi tiến hành vệ sinh, làm sạch, phục hồi môi trường.
Bước 6: Thu hồi và làm sạch
- Sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ ứng phó phù hợp để thu hồi, trung hòa, tẩy rửa;
- Thu gom chất thải nguy hại và xử lý theo đúng quy định.
Bước 7: Tiêu tẩy (khử độc)
- Tất cả lực lượng ứng phó đều phải được tiêu tẩy;
- Trang bị bảo hộ, thiết bị ứng phó phải được tiêu tẩy nếu đã nhiễm hóa chất;
- Các trang bị bảo hộ, thiết bị ứng phó bị tiêu hao hoặc hỏng thì cần phải thải bỏ đúng nơi quy định.
Bước 8: Báo cáo và bổ sung nguồn lực
- Thông báo, lập báo cáo sự cố cho lãnh đạo và tất cả nhân viên liên quan;
- Rút kinh nghiệm sau sự cố;
- Bổ sung hoặc thay thế các trang thiết bị, vật tư ứng phó sự cố hóa chất chuyên dụng, đồ bảo hộ cá nhân bị hao hụt.
Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, tổ chức đã phần nào nắm được nội dung liên quan đến quy trình ứng phó tình huống khẩn cấp. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì liên quan tới việc xây dựng quy trình ứng phó tình huống khẩn cấp, hãy liên hệ ngay với Intercert Việt Nam để được giải đáp.
Thông tin liên lạc Intercert Việt Nam
- Địa chỉ: Toà nhà Ladeco, 266 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
- Điện thoại: 0969.555.610
- Email: sales@intercertvietnam.com