Mô hình Pestel là gì ? Giải mã 6 yếu tố và ví dụ cụ thể

Mô hình PESTEL là một công cụ phân tích vô cùng hữu ích, giúp các doanh nghiệp đánh giá toàn diện môi trường kinh doanh bên ngoài. Vậy mô hình PESTEL là gì và các yếu tố cấu thành của nó là gì? Hãy cùng Intercert Việt Nam giải mã chi tiết mô hình này trong bài viết dưới đây. 

Mô hình PESTEL là gì? 

Mô hình PESTEL (PESTEL analysis) là một công cụ phân tích môi trường kinh doanh (môi trường bên ngoài) được các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng trong quá trình đưa ra các quyết định chiến lược. 

Tên gọi “PESTEL” là viết tắt cho 6 chữ cái Tiếng Anh, tượng trưng cho 6 yếu tố thuộc mô hình bao gồm:  

  • Chính trị (Political)  
  • Kinh tế (Economic) 
  • Xã hội (Social) 
  • Công nghệ (Technological) 
  • Môi trường (Environmental) 
  • Pháp lý (Legal) 

Thông qua mô hình này, doanh nghiệp có thể nhận định và đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài đến hoạt động kinh doanh. Đây chính là nền tảng cho các quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển sản phẩm, cũng như thành công bền vững của doanh nghiệp. 

Giải mã 6 yếu tố thuộc mô hình PESTEL 

  1. Yếu tố chính trị (Political)

Yếu tố chính trị đề cập đến những chính sách và khung pháp lý của Chính phủ tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nó bao gồm các yếu tố sau:  

  • Sự ổn định của chính trị và bộ máy chính quyền 
  • Quan hệ quốc tế 
  • Chính sách thuế  
  • Tranh chấp thương mại tự do 
  • Thay đổi trong các hiệp định thương mại quốc tế 
  •  

Ví dụ: Chiến tranh thương mại có thể làm tăng thuế nhập khẩu, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. 

  1. Yếu tố kinh tế (Economic)

Các yếu tố kinh tế liên quan đến nền kinh tế tổng quan của một quốc gia hoặc rộng hơn là một khu vực. Chúng bao gồm: 

  • Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP 
  • Tỷ giá hối đoái 
  • Lãi suất ngân hàng 
  • Tỷ lệ lạm phát 
  • Tỷ lệ thất nghiệp 
  •  

Ví dụ về yếu tố kinh tế: Khi lạm phát tăng cao, người tiêu dùng có thể cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của doanh nghiệp. 

  1. Yếu tố xã hội (Social)

Các yếu tố xã hội đề cập đến những thay đổi hoặc sự phát triển của văn hoá, xã hội, xu hướng, giá trị niềm tin của cộng đồng,… Từ đó có thể đánh giá được tác động của chúng đến sự lựa chọn sản phẩm/dịch vụ của khách hàng.  

Các yếu tố xã hội có thể bao gồm: 

  • Xu hướng đô thị hoá 
  • Nhân khẩu học 
  • Lối sống 
  • Niềm tin của người tiêu dùng 
  • Hành vi người tiêu dùng 
  • Sự khác biệt về tôn giáo, văn hoá 
  •  

Ví dụ: Sau đại dịch Covid 19, người tiêu dùng vẫn duy trì và phát triển mạnh mẽ hình thức mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội,…  

  1. Yếu tố công nghệ (Technological)

Trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, công nghệ có mặt ở khắp mọi nơi và thay đổi nhanh chóng. Những thay đổi trong môi trường công nghệ có thể là cơ hội hoặc là mối đe dọa đối với doanh nghiệp.  

Trong phân tích PESTEL, yếu tố công nghệ thường đề cập đến những ảnh hưởng của tiến bộ khoa học – kỹ thuật tới chiến lược của tổ chức. Một số yếu tố công nghệ có thể kể đến như: 

  • Tự động hóa 
  • Công nghệ sản xuất mới, như AI (Trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet of Things), VR (Công nghệ thực tế ảo),… 
  • Tốc độ phát triển của công nghệ 
  •  

Ví dụ: Sự phát triển của thương mại điện tử đã thay đổi hoàn toàn cách thức mua sắm của người tiêu dùng. 

  1. Yếu tố môi trường (Environmental)

Môi trường như một làn sóng mạnh mẽ tác động đến mọi ngóc ngách của kinh doanh. Vì vậy, yếu tố môi trường trong mô hình PESTEL là một khía cạnh quan trọng mà các doanh nghiệp cần xem xét một cách cẩn trọng, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm môi trường như hiện nay. 

Một số yếu tố môi trường bao gồm: 

  • Biến đổi khí hậu 
  • Dấu chân carbon 
  • Khan hiếm tài nguyên thiên nhiên 
  • Quy định, chính sách bảo vệ môi trường 
  • …  

Thông qua việc xác định các yếu tố môi trường, doanh nghiệp sẽ đánh giá được tác động của chúng đến chi phí sản xuất, uy tín của doanh nghiệp, khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên,… 

Ví dụ về yếu tố môi trường: Những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nặng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về xử lý nước thải, buộc họ phải đầu tư phát triển công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường. 

  1. Yếu tố pháp lý (Legal)

Các yếu tố pháp lý là những vấn đề pháp lý liên quan tới hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp. Chúng không chỉ đảm bảo tính hợp pháp, tuân thủ yêu cầu pháp lý trong hoạt động kinh doanh mà còn bảo vệ quyền lợi của chính doanh nghiệp.  

Các yếu tố pháp lý bao gồm: 

  • Giấy phép kinh doanh  
  • Luật bảo vệ người tiêu dùng 
  • Luật lao động  
  • Quyền sở hữu trí tuệ 
  • Quy định về cạnh tranh giữa các doanh nghiệp 
  • …  

Ví dụ về yếu tố pháp lý: Các nhà hàng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, ví dụ như phải có giấy chứng nhận của Cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy chứng nhận HACCP,… 

Quy trình 4 bước phân tích PESTEL 

Bước 1: Xác định các yếu tố PESTEL 

  • Xác định đầy đủ: Đảm bảo liệt kê tất cả 6 yếu tố thuộc mô hình PESTEL có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp. 
  • Phân tích chi tiết: Đối với mỗi yếu tố, hãy liệt kê các khía cạnh cụ thể. Ví dụ: 
  • Chính trị: Chính sách thuế, ổn định chính trị, quan hệ quốc tế, quy định về cạnh tranh,… 
  • Kinh tế: Tỷ giá hối đoái, lạm phát, tăng trưởng GDP, thu nhập khả dụng, chu kỳ kinh doanh,… 
  • Xã hội: Dân số, cấu trúc dân số, lối sống, văn hóa tiêu dùng, xu hướng xã hội,… 
  • Công nghệ: Công nghệ sản xuất, công nghệ thông tin, xu hướng số hóa, đổi mới công nghệ,… 
  • Môi trường: Biến đổi khí hậu, quy định về môi trường, ý thức bảo vệ môi trường, khan hiếm tài nguyên,… 
  • Pháp lý: Quy định về lao động, bảo vệ người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ, luật cạnh tranh,… 

Bước 2: Thu thập thông tin 

  • Nghiên cứu thị trường: Sử dụng các báo cáo thị trường, nghiên cứu trong lĩnh vực kinh doanh, số liệu thống kê cụ thể,… 
  • Phân tích báo cáo tài chính: Nghiên cứu báo cáo tài chính của doanh nghiệp và các đối thủ cạnh tranh. 
  • Theo dõi tin tức: Theo dõi tin tức, sự kiện liên quan đến ngành nghề kinh doanh và doanh nghiệp. 
  • Phỏng vấn chuyên gia: Tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong ngành, khách hàng, nhà cung cấp,… 
  •  

Bước 3: Đánh giá và phân tích 

  • Ma trận đánh giá: Sử dụng ma trận để đánh giá mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố đến doanh nghiệp (cao, trung bình, thấp) và mức độ cấp bách (cao, trung bình, thấp). 
  • Xác định cơ hội và thách thức: Đánh giá xem mỗi yếu tố mang lại cơ hội hay thách thức cho doanh nghiệp. 
  • Phân tích mối quan hệ: Xác định mối quan hệ giữa các yếu tố để hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh. 

Bước 4: Tổng hợp và báo cáo kết quả phân tích mô hình PESTEL 

  • Tổng hợp kết quả: Tổng hợp kết quả phân tích PESTLE từ các bước trước. 
  • Đưa ra kết luận: Rút ra những kết luận chính về môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. 
  • Đưa ra khuyến nghị: Dựa trên kết quả phân tích, đưa ra những khuyến nghị cụ thể cho doanh nghiệp về: 
  • Chiến lược: Xây dựng những chiến lược kinh doanh phù hợp. 
  • Hoạt động: Điều chỉnh các hoạt động kinh doanh hiện tại. 
  • Đầu tư: Đầu tư vào lĩnh vực có tiềm năng. 
  • Quản lý rủi ro: Xây dựng các kế hoạch quản lý rủi ro. 
  •  

Ưu và nhược điểm của mô hình PESTEL  

  1. Ưu điểm
  • Cung cấp cái nhìn toàn diện: Mô hình PESTEL cung cấp một cái nhìn tổng quan về môi trường kinh doanh. Từ đó, giúp doanh nghiệp nhận biết được các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình. 
  • Dễ hiểu và dễ áp dụng: Mô hình này tương đối dễ hiểu và dễ áp dụng, không đòi hỏi phải có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng để phân tích môi trường kinh doanh. 
  • Tính linh hoạt: Phân tích PESTEL có thể được áp dụng cho nhiều ngành nghề với quy mô doanh nghiệp khác nhau. 
  • Hỗ trợ cho quá trình ra quyết định: Thông qua việc phân tích các yếu tố PESTEL, doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định chiến lược kinh doanh phù hợp. 
  1. Nhược điểm
  • Tính tổng quát: Mô hình PESTEL chỉ cung cấp một cái nhìn tổng quan về các yếu tố bên ngoài, không đi sâu vào phân tích chi tiết từng yếu tố. Điều này có thể dẫn đến việc bỏ sót những yếu tố nhỏ nhưng quan trọng, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp đặc thù. 
  • Khó dự đoán chính xác: Các yếu tố trong môi trường kinh doanh luôn thay đổi nhanh chóng và khó dự đoán, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến công nghệ và xã hội. Điều này làm cho việc dự báo tác động của các yếu tố này lên doanh nghiệp trở nên khó khăn. 
  • Tính chủ quan: Kết quả phân tích PESTEL có thể bị ảnh hưởng bởi quan điểm chủ quan của người thực hiện. Mỗi người có thể đánh giá mức độ quan trọng của các yếu tố khác nhau, dẫn đến những kết luận khác nhau. 

Ví dụ về phân tích PESTEL 

Dưới đây là ví dụ về phân tích PESTEL của công ty Nike: 

  • Yếu tố chính trị (Political): Hoạt động kinh doanh toàn cầu của Nike chịu tác động trực tiếp từ các chính sách và quy định xuất nhập khẩu của từng quốc gia. Do đó, việc nắm bắt và tuân thủ các quy định này là yếu tố quan trọng để đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra trơn tru và hiệu quả. 
  • Yếu tố kinh tế (Economic): Nike cần theo dõi chặt chẽ xu hướng và biến động kinh tế toàn cầu để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh và giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh đó, Nike tập trung vào các thị trường có nền kinh tế ổn định và sức mua cao như Mỹ, Anh và các nước châu Âu để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tăng trưởng bền vững. 
  • Yếu tố xã hội (Social): Xu hướng quan tâm đến sức khỏe và lối sống lành mạnh của giới trẻ tạo ra cơ hội lớn cho Nike để phát triển các sản phẩm và dịch vụ thu hút nhóm khách hàng này. 
  • Yếu tố công nghệ (Technological): Nike cần không ngừng đầu tư vào nghiên cứu, phát triển để áp dụng các công nghệ mới vào quá trình sản xuất. Điều này nhằm tạo ra những sản phẩm sáng tạo và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. 
  • Yếu tố môi trường (Environmental): Ý thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng ngày càng cao. Điều này đòi hỏi Nike phải có những cam kết mạnh mẽ về những sản phẩm thân thiện với môi trường đi cùng với phát triển bền vững. 
  • Yếu tố pháp lý (Legal): Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là vô cùng quan trọng đối với Nike để ngăn chặn hàng giả và bảo vệ thương hiệu. Đồng thời, các quy định về sức khỏe và an toàn lao động cũng cần được tuân thủ để duy trì hoạt động trên phạm vi toàn cầu. 

KẾT BÀI: 

Hy vọng bạn đọc đã cái nhìn đầy đủ nhất về mô hình PESTEL và cách áp dụng vào thực tế kinh doanh thông qua bài viết trên. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về phân tích PESTEL, xin hãy liên hệ với Intercert Việt Nam để được giải đáp chi tiết. 

Thông tin liên hệ: 

  • Công ty TNHH Chứng nhận Intercert Việt Nam 
  • Địa chỉ: Toà nhà Ladeco Building, 266 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. 
  • Điện thoại: 0969 555 610 
Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan

OHSAS 18001 là gì ? Tầm quan trọng của OHSAS 18001.

OHSAS 18001 là tiêu chuẩn về hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe...

Sự khác biệt giữa ISO 45001 và OHSAS 18001

Để ngăn ngừa và hạn chế các sự cố tại nơi làm việc, các doanh...

Hướng dẫn thực hiện ISO 45001 chi tiết

ISO 45001 là tiêu chuẩn quốc tế về Hệ thống quản lý an toàn sức...

Thực hiện kế hoạch đánh giá nội bộ ISO 45001:2018

Kế hoạch đánh giá nội bộ ISO 45001:2018 là một phần quan trọng đối với...

Doanh nghiệp có bắt buộc làm ISO 14001 hay không ?

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường đã...

Tư vấn FSC cho Công ty TNHH Venus Furnisher

Là Doanh Nghiệp có tiếng tại tỉnh Bình dương. Công ty TNHH Venus Furnisher chuyên...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tải bảng giá